Mục đích của việc sử dụng họ và nguồn gốc họ Nguyễn
Họ được bắt đầu ghi nhận tại Việt Nam khoảng năm 111 TCN, là khi bắt đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc bởi sự xâm chiếm của nhà Hán Trung Quốc (đã có nhiều cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ nổ ra trước khi người Việt đánh đuổi hoàn toàn người Trung Quốc vào năm 939). Trước thời gian đó, không ai thực sự biết người Việt Nam sử dụng họ như thế nào vì thiếu những ghi chép của lịch sử. Thậm chí, từ “Việt Nam” cũng bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc. Từ “Việt” (Yuè) trong từ “Việt Nam” (Yuènán) là phiên âm tiếng Việt của chữ Trung Quốc khi mô tả những người ở phía Đông Nam tỉnh Vân Nam.
Bản đồ bán đảo Đông Dương năm 1829, Việt Nam nằm dọc theo bờ Đông của bán đảo. Con dấu ở góc phải trên là ấn tín của triều đình nhà Nguyễn. VINTAGE MAP FROM ATLAS UNIVERSEL (SEAL VIA WIKICOMMONS)
Rất có khả năng người Việt trước khi bị người Trung Quốc đô hộ không sử dụng họ. Điều này hoàn toàn bình thường. Trước thế kỷ thứ 18, rất nhiều nơi trên thế giới không dùng họ. Thứ được dùng thông dụng hơn cả chính là “tên cha ông”, có nghĩa là tên đầy đủ của bạn sẽ được dịch thành một từ mang nghĩa như “Steve con trai của Bob”. Tên cha ông nhắc đến thế hệ liền trước, hiện tại vẫn đang được dùng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở bán đảo Scandinavi và Trung Đông.
Bạn sẽ không có một khái niệm nào về việc sử dụng họ nếu đất nước bạn không bị xâm chiếm bởi một quốc gia đã sử dụng họ. Những quốc gia đi xâm chiếm như La Mã, Norman (Pháp), Trung Quốc, và sau đó là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Mỹ. Chính người Trung Quốc đã mang khái niệm họ vào Việt Nam.
Người Trung Quốc dùng họ hàng ngàn năm nay, thỉnh thoảng dùng nó để xác định sự xâm chiếm, địa vị xã hội, hay thành viên một nhóm nhỏ nào đó. Rất lâu trước khi người Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, người Trung Quốc đã có một hệ thống họ phức tạp nhằm phục vụ cho một mục đích rất căn bản: đánh thuế. “Dưới sự thống trị của những người Trung Quốc xâm lăng, thông thường người Trung Quốc dùng họ để giữ ghi chép về thuế”, theo lời ông Stephen O’Harrow — Viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương và Trưởng bộ phận Tiếng Việt của Đại học Hawaii tại Mānoa. “Họ dùng một số lượng họ có hạn để cấp cho những người mà họ kiểm soát”.
Về cơ bản, người Trung Quốc (và sau đó là người La Mã và người Pháp) chiếm đất và dân, và họ cần một cách nào đó để kiểm soát dân, để có thể đánh thuế. Nhưng hầu hết những nơi đó lại không có họ, chính là điều khiến nhà quản lý đau đầu. Làm sao để có thể chắc chắn rằng bạn đang đánh thuế đúng một người tên Long, khi có cả tá người tên Long trong cùng một làng, đó có thể là “Bác Long”, cũng có thể là “Anh Long”.
Điêu khắc về những người thu thuế La Mã. Khả năng đánh thuế được từ các nơi xa xôi ngoài đất nước là một lý do của sự tăng lên của họ.
Do đó người Trung Quốc bắt đầu cấp họ cho dân. Họ cấp phát họ một cách ngẫu nhiên, nhưng gốc gác của các họ phần lớn đến từ họ của người Trung Quốc, hoặc phiên âm tiếng Việt bắt nguồn từ chúng. Ví dụ, họ Nguyễn bắt nguồn từ họ Ruan của Trung Quốc (phiên âm là: ruǎn, đọc là ru-oẵn, ai học tiếng Trung Quốc hẳn không xa lạ với từ này). O’Harrow nói “Tôi đoán là các viên quan người Trung Quốc dùng chính họ của họ để cấp cho những người do họ quản lý”. Điều này rất hay xảy ra; xu hướng của các nhà cầm quyền về việc ban phát họ của họ cho những người mà họ xâm lược có thể thấy khắp nơi từ Phillipines (với rất nhiều người mang họ Tây Ban Nha) cho đến Mỹ (nơi mà người Mỹ da đen thường mang tên của những người chủ nô lệ) cho đến bang Goa của Ấn Độ (với các họ Bồ Đào Nha).
Bản thân họ Ruan của người Trung Quốc cũng có thể xuất phát từ một dạng tên Trung Quốc cổ xưa, hoặc cũng có thể xuất phát từ một loại đàn cổ có tên gọi là ruan (ND — loại đàn có thùng gỗ hình tròn, 4 dây, gần giống với đàn nguyệt hay đàn kìm ở Việt Nam, còn có tên gọi là Qin pipa — phiên âm là “Tần tì bà” — nhưng không phải đàn tì bà). Ai mà biết được. Dù thế nào đi nữa thì gần như chắc chắn rằng, các viên quan bậc trung người Trung Quốc, khi tìm một cách thức để gọi tên những người Việt Nam đang sống trong vùng đất do họ vừa mới chiếm lấy, đã quyết định đơn giản rằng tất cả họ đều sẽ được gọi là Ruan — mà sau này trở thành Nguyễn.
Cách phát âm từ Nguyễn
Bây giờ hãy dành chút thời gian để nghiên cứu cách phát âm từ Nguyễn (phần này dành cho người nước ngoài là chủ yếu). Nếu tìm kiếm trên Google, bạn sẽ thấy có hàng chục cách hướng dẫn để phát âm chính xác từ này. Tất cả chúng đều không sai, nhưng vấn đề nằm ở chổ sẽ không có một cách thật sự chính xác nhất để phát âm từ Nguyễn. Việt Nam có nhiều cách phát âm theo vùng miền, mà sự khác biệt lớn nhất là giọng Bắc và giọng Nam. Người miền Nam có xu hướng nuốt chữ trong lời nói, nên Nguyễn sẽ được phát âm nghe như “Guyễng”. Người miền Bắc thì không như thế, do đó họ phát âm nghe như “Nguyễn”.
Mọi việc trở nên phức tạp hơn bởi sự di cư của người Việt. Nhằm mục đích hòa nhập một cách dễ dàng hơn với người bản địa, các tên Tây đã được sử dụng một cách phổ biến — chắc chắn bạn đã từng nghe các tên như Johnny Trí Nguyễn hay Charlers Nguyễn — nhưng mà họ Nguyễn còn sót lại trong tên vẫn gây ra sự khó khăn đối với người phương Tây khi phát âm. Chữ “Nguyễn” bắt đầu bằng chữ “Ng”. Đây không phải là một âm sắc mà người phương Tây dùng khi bắt đầu một từ. Do đó, người ta có xu hướng đọc chệch đi để phát âm suôn sẻ hơn từ này, chính điều này tạo ra nhiều cách phát âm có thể chấp nhận được của từ Nguyễn. (Mà nói gì thì nói, nếu một người tên là Johnny Trí Nguyễn nói rằng sẽ không sao cả nếu bạn đọc họ Nguyễn của anh ấy là “Nuyễn” thì ai muốn bàn cãi gì nữa?). Nhưng vấn đề là cách phát âm từ Nguyễn biến đổi rất nhiều.
Lý do dẫn đến sự phổ biến của họ Nguyễn
Quay lại vấn đề đánh thuế và quản lý hành chính. Không ý nào trong cả hai giải thích tại sao Nguyễn lại trở thành họ phổ biến tại Việt Nam. Và có rất nhiều quan lại bậc trung của Trung Quốc cấp phát họ cho người Việt Nam. Tại sao họ Nguyễn lại trở nên phổ biến tới vậy?
Biểu đồ các họ phổ biến nhất Việt Nam. KEVON KEVONO/CC BY-SA 4.0
Mặc dù họ được sử dụng ở Việt Nam từ rất lâu đời (trong thời kỳ người Trung Quốc xâm chiếm) trước khi nó trở thành một trong những họ quan trọng nhất thế giới, nhưng người Việt Nam dường như chưa bao giờ quan tâm nhiều đến điều đó. Chúng chưa bao giờ là cách thức chính để người Việt Nam gọi lẫn nhau hoặc nghĩ về chính họ.
“Tiếng Việt không có đại từ, như ‘he’ (anh ấy), ‘she’ (cô ấy), ‘you’ (bạn) hoặc ‘they’ (họ) trong tiếng Anh” — O’Harrow nói. Thay vào đó, cách thông thường để gọi lẫn nhau là một thứ mà O’Harrow gọi là một “cụm từ quan hệ gia đình không có thực”. Cơ bản là bạn gọi người khác bằng tên của họ, cộng thêm một từ bổ nghĩa dựa trên mối quan hệ gia đình (không có thực) với bạn, chính là thứ chỉ ra mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Nếu bạn đang nói đến người bạn tốt của chúng ta, Long, và anh ấy cùng độ tuổi với bạn, có thể bạn sẽ gọi anh ấy là “anh Long” (dù hai người không phải là anh em trong gia đình). Để định vị sự khác nhau về tuổi tác hoặc giới tính, hoặc sự tôn trọng, bạn có thể dùng những từ như “cô/dì/mự/thím/bác” (phụ nữ), “bà” hoặc “cháu” thay thế cho từ “anh”.
Tại Việt Nam, họ vẫn tồn tại, nhưng không quá quan trọng. Và vì nó không quan trọng nên bạn có thể đổi họ nếu họ mới có thể giúp ích cho bạn. Chúng ta không thực sự biết họ tại Việt Nam có được dùng cùng một cách như nhau trước và trong khi người Trung Quốc xâm chiếm hay không, nhưng từ xưa đến nay, người Việt Nam có xu hướng lấy họ của bất kỳ ai đang nắm quyền tại thời đó. Nó được xem như là một cách thể hiện lòng trung thành. Điều này bắt buộc một sự thay đổi họ thường xuyên tương ứng với sự kế vị của những triều vua khác nhau. Trên tất cả, bạn chắc hẳn không muốn tranh giành họ với vị vua đời trước.
Theo O’Harrow “Truyền thống thể hiện lòng trung thành với những vị vua bằng cách lấy họ vua chắc hẳn là lý do khiến họ Nguyễn trở nên phổ biến ở Việt Nam”. Các bạn chắc có thể đoán được triều vua cuối cùng tại Việt Nam là triều vua nào chứ? Vâng, chính là nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1802 đến 1945. Có thể có rất nhiều người mang họ Nguyễn trước thời gian đó, nhưng tỉ lệ người mang họ Nguyễn chắc chắn đã tăng vọt trong suốt khoảng thời gian nhà Nguyễn trị vì.
Thậm chí xu hướng lấy họ của nhà cầm quyền không phải chỉ duy nhất tại Việt Nam. Nó cũng xảy ra tại Triều Tiên với họ Park, bắt nguồn từ vua Hyeokgeose Park, người đã lập ra triều đình trị vì gần 1000 năm — Silla — một trong Tam Quốc Triều Tiên. Theo lý thuyết, tất cả những ai mang họ Park tại Triều Tiên đều có chung tổ tiên là vị vua đó. Nhưng sau cách mạng bần nông năm 1894, rất nhiều bần nông nhận họ Park như một biểu tượng cho sự bãi bỏ chế độ phân biệt giai cấp trong xã hội.
Họ Nguyễn tại Mỹ
Người Mỹ gốc Việt, với hơn 1,5 triệu dân, việc mang họ Nguyễn là một đề tài phức tạp. “Nó nghĩa là người Việt Nam, nhưng khi có đến 40% dân số Việt Nam mang họ Nguyễn, nó không còn mang nhiều ý nghĩa nữa”, theo Kevin Nguyễn, một người bạn của tôi đang làm Phó Biên tập phiên bản số của tạp chí GQ. “Nếu tôi có con, tôi sẽ không thực sự bận tâm lắm nếu chúng mang họ Nguyễn vì nó không thực sự gắn chúng với bất kỳ điều gì bên ngoài xã hội, ngoại trừ, có lẽ là ‘không — phải — Mỹ — trắng’”.
Kevin không thể dùng các trang web như 23andMe hay Ancestry.com (ND — các trang web dùng để tra cứu phả hệ của một người nào đó dựa trên AND của họ) hoặc bất kỳ các trang nào tương tự để tra cứu về gia phả của mình. Có một điều rằng, trang 23andMe chỉ có một tập mẫu rất nhỏ về các ADN của châu Á. Do đó, nó không thể cho ta biết gì thêm ngoài thông tin “châu Á”. “Thậm chí nếu tôi muốn đăng ký tài khoản tại một trang web kiểu tra cứu thông tin gia phả, tôi không nghĩ nó có thể cho nhiều thông tin, bởi vì không thể tra cứu quá nhiều với họ Nguyễn của tôi, và cũng không có bất kỳ thông tin nào về những người cụ tổ trước ông bà tôi tại Việt Nam”, Nguyễn nói, “Nghe có vẻ hay, nhưng tôi không nghĩ đó là một cách để biết nhiều hơn về gia phả dòng họ”.
Xu hướng tra cứu những thứ liên quan đến họ tên của một người không phải là cách mà tất cả người Mỹ sẽ quan tâm. Họ của tôi dường như không tồn tại trước khi ông cố của tôi đến Mỹ vào đầu thế kỷ thứ 20; kết quả tìm kiếm trên trang web dừng ngay tại bản danh sách những người đã lên tàu (dùng để vượt đại dương đến Mỹ).
“Rất là buồn cười khi mọi người biết chi tiết hoặc tự hào về dòng họ hoặc những di sản của họ, nó hoàn toàn là quyền của họ”, Nguyễn nói, “Chắc chắn rằng ai cũng quan tâm đến họ của họ, cho đến khi họ gặp nguy hiểm (vì vấn đề sắc tộc), và dòng họ kết thúc tại đó (ND — khi bị nguy hiểm thì người ta sẽ đổi sang họ khác để được an toàn)”. Khi quay ngược bánh xe lịch sử, từ hành động cấp họ một cách vô tư để kiểm soát thuế má của các quan lại bậc trung người Trung Quốc, cho đến khi người dân thường xuyên phải đổi họ để cố gắng không bị xem như kẻ thù của các triều vua đương thời, họ Nguyễn là họ cuối cùng của chuỗi sự kiện đó.
Những điều thú vị thống kê về Họ và tên người Việt Nam
Một trong những thống kê mà ai cũng biết về tên họ của phụ nữ Việt đó là thường có “thị” làm đệm. Chẳng xa xôi gì, mẹ và vợ tôi đều có đệm là “thị”.
Nhưng tôi muốn biết nhiều hơn thế, trong bài viết này tôi sẽ tìm hiểu một số thống kê sau:
- Những họ nào phổ biến nhất (Nguyễn, Lê, Trần,…)
- Tên nào phổ biến (Hoa, Quyên, Hương,…)
- Đệm nào phổ biến (Thị, Lan, Ngọc,…)
Ngoài ra là những thông tin quan trọng khác nếu có thể.
A. Gần 40% người Việt cùng mang họ Nguyễn?
Tại Việt Nam, họ phổ biến nhất là họ Nguyễn. Các bạn biết khoảng bao nhiêu người Việt Nam mang họ Nguyễn không? Câu trả lời là đâu đó trong khoảng 30 đến 40 phần trăm dân số. 14 họ phổ biến nhất tại Việt Nam chiếm khoảng 90% dân số.
B. Dữ liệu thống kê tên họ người Việt
Dữ liệu mẫu tôi thu thập được là danh sách sinh viên nữ trúng tuyển của một trường đại học tại Hà Nội, gồm 8698 tên. Thời gian trúng tuyển qua 7 năm từ 2004 đến 2014, năm sinh phổ biến của đối tượng trong khoảng từ 1990 đến 1996.
Đặc điểm của mẫu này là nó có tính khu vực hơn là đại diện cho cả nước, ngoài ra tên cũng được xét trong khoảng thời gian không quá dài. Dĩ nhiên không thế không nhắc đến yếu điểm lớn nhất là mẫu còn quá nhỏ, tuy nhiên trong tình cảnh không có được mẫu tốt hơn tôi vẫn dùng nó để tìm hiểu, xem như là những gợi ý cho các nghiên cứu sau này.
C. Các kết quả
1. Những họ nào phổ biến nhất
10 dòng họ trên đã chiếm đến xấp xỉ 79% mẫu.
Sự áp đảo của dòng họ Nguyễn được cho là có ảnh hưởng từ việc triều đại phong kiến cuối cùng là triều Nguyễn. Nhiều người đổi sang họ vua để được thuận lợi hơn.
2. Tên 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ
Kết quả vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Không bất ngờ ở chỗ tên 3 chữ phổ biến nhất, còn bất ngờ ở khía cạnh tên 4 chữ thực tế cũng cực kỳ phổ biến.
Thông tin cụ thể như sau:
Tên | Số lượng (tỷ lệ%) |
2 chữ | 7 (0,08%) |
3 chữ | 5643 (64,88%) |
4 chữ | 3046 (35,02%) |
5 chữ | 2 (0,02%) |
Tôi dự đoán rằng cách đặt tên như này sẽ khác khá nhiều so với nam, cụ thể tôi nghĩ tên 2 chữ ở nam sẽ phổ biến hơn nhiều so với nữ và tên 4 chữ ở nam thì ngược lại ít phổ biến hơn so với nữ.
3. Đệm là “thị”
Có đến 52,46% tên người nữ có đệm là “thị” trong mẫu của chúng tôi.
Tôi đoán rằng tỷ lệ này sẽ khác nhau khá lớn giữa tên 3 chữ và 4 chữ, với dự đoán tên 4 chữ sẽ có tỷ lệ dùng “thị” nhiều hơn. Kết quả như sau:
Số chữ | Tỷ lệ dùng “thị” |
3 chữ | 32,91% |
4 chữ | 88,80% |
Tên nữ 4 chữ dùng “thị” cao đến bất ngờ. Tôi tin rằng ở nam tỷ lệ tên 4 chữ dùng “văn” sẽ không cao được như vậy, thậm chí là ít hơn nhiều.
4. Các đệm phổ biến ngoài “thị”
Xét riêng tên 3 chữ, trong số 5643 tên, tôi thấy chỉ có 136 đệm duy nhất, tỷ lệ 2,41% – tức là sự đa dạng rất thấp, mọi người sử dụng trùng đệm nhiều.
Đệm “thị” như đã nói ở trên chiếm 32,91% trong nhóm này, 21 đệm ngay bên dưới cũng chiếm đến 52,72% tổng số.
Dưới đây là biểu đồ, trục tung là tỷ lệ %:
Đệm phổ biến nhất sau “thị” là “thu”.
Đáng ra phải thống kê thêm các đệm trong tên 4 chữ, sự liên kết của nó với “thị”, nhưng tôi sẽ để dành nó trong thống kê quy mô hơn.
5. Các tên phổ biến
Người Việt khi gọi tên nhau thường chỉ gọi tên cuối dù tên có thể là tên ghép, như Nguyễn Ngọc Bích thì thường chỉ gọi là Bích, tôi cho đó là vì lý do ngắn gọn.
Trên báo chí người ta thường viết cả đệm, thì dụ “diễn viên Ngọc Bích”. Còn trong trường hợp trang nghiêm hoặc yêu cầu chính xác người ta mới viết cả họ cả tên như “Bà Nguyễn Ngọc Bích cho biết…”
Có một trường hợp phổ biến duy nhất mà người ta gọi cả đệm trong đời thường là những người tên Anh, vì tên này trùng với đại từ xưng hô chỉ ngôi trong tiếng Việt. Thí dụ bạn gái tên Lê Lan Anh thì sẽ được gọi là Lan Anh.
Trong thống kê này tôi chỉ xét đến tên cuối, tức là tên chính thức mà người ta gọi nhau trong cuộc sống đời thường (có ngoại lệ là tính cả tên Anh, mặc dù tên này như trên tôi có nói họ thường gọi cả đệm). Kết quả cho thấy tên trong mẫu của chúng tôi không quá đa dạng, chỉ có 319 tên duy nhất trên tổng số 8698 tên, tức là 3,67%, mọi người trùng tên rất nhiều. 10 tên phổ biến nhất đã chiếm đến hơn 40% cách đặt tên. Nhích đến 21 tên phổ biến nhất, nó chiếm hơn 62% cách đặt tên.
Các tên phổ biến nhất bao gồm:
Tên | Số lần tìm thấy (trong số 8698 tên) | Tỷ lệ % |
Anh | 688 | 7.91 |
Trang | 604 | 6.94 |
Linh | 569 | 6.54 |
Phương | 303 | 3.48 |
Hương | 298 | 3.43 |
Thảo | 293 | 3.37 |
Hà | 272 | 3.13 |
Huyền | 262 | 3.01 |
Ngọc | 251 | 2.89 |
Hằng | 212 | 2.44 |
Giang | 172 | 1.98 |
Nhung | 172 | 1.98 |
Yến | 171 | 1.97 |
Nga | 165 | 1.9 |
Mai | 154 | 1.77 |
Thu | 154 | 1.77 |
Hạnh | 145 | 1.67 |
Vân | 137 | 1.58 |
Hoa | 129 | 1.48 |
Hiền | 128 | 1.47 |